Saturday, December 26, 2009

Công nghiệp vũ khí Bắc Triều Tiên bị chận ''đầu ra''

Hãng thông tấn chính thức KCNA của Bắc Triều Tiên đã cung cấp ảnh tên lửa được phóng lên ngày 05/04/2009.(Nguồn : Reuters)
Hãng thông tấn chính thức KCNA của Bắc Triều Tiên đã cung cấp ảnh tên lửa được phóng lên ngày 05/04/2009.
(Nguồn : Reuters)
Bình Nhưỡng càng lúc càng gặp khó khăn trong việc xuất khẩu vũ khí vì Nghị quyết 1874 nhằm trừng phạt Bắc Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm hạt nhân và tên lửa. Các vụ tịch thu liên tiếp nhắm vào các chuyến hàng của Bắc Triều Tiên sẽ khiến cho các nước đặt mua chùn bước.
Cho đến giờ này, khách hàng của lô vũ khí Bắc Triều Tiên trên chiếc phi cơ bị chính quyền Thái Lan chận bắt ngày 12 tháng 12 vừa qua vẫn còn là một bí ẩn. Nhưng có một điều đã rõ là Bình Nhưỡng càng lúc càng gặp khó khăn trong việc xuất khẩu vũ khí vì bị nghị quyết nghiêm cấm của Liên Hiệp Quốc.
Theo các nhà quan sát, sở dĩ chính quyền Thái Lan phát hiện ra khối lượng 30 tấn vũ khí của Bắc Triều Tiên giấu trên chiếc phi cơ Il-76, đó là nhờ các thông tin tình báo do Hoa Kỳ cung cấp.
Khi tịch thu số vũ khí kể trên, chính quyền Bangkok chỉ thực thi Nghi Quyết 1874 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, ban hành vào tháng sáu nhằm trừng phạt Bắc Triều Tiên trên vấn đề thử nghiệm hạt nhân và tên lửa trước đó.
Ngày càng có nhiều chuyến tàu khả nghi của Bắc Triều Tiên bị chận xét
Dù không mang tính chất ràng buộc, nhưng nghị quyết này ngày càng được nhiều nước áp dụng gây trở ngại khá nhiều cho các thương vụ bán vũ khí của Bắc Triều Tiên. Giới quan sát ghi nhận là chỉ từ tháng sáu đến nay, một loạt những chuyến tàu tình nghi là chuyển vận hàng cấm của Bình Nhưỡng đã bị phát giác và một vài lô vũ khí đã bị tịch thu.
Cuối tháng sáu, đầu tháng bảy vừa qua, hành tung chiếc tàu Kang Nam 1 của Bắc Triều Tiên đã bị Hoa Kỳ theo dõi sát sao vì bị nghi ngờ chở theo vũ khí bán cho Miến Điện. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, chiếc tàu rốt cuộc đã phải quay trở về Bắc Triều Tiên sau khi chính nước đặt mua là Miến Điện từ chối không cho cập bến.
Qua tháng tám, đến lượt chính quyền Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất chận giữ chiếc tàu gốc tích từ Úc mang tên ANL - Australia, nhưng mang cờ hiệu đảo quốc Bahamas. Trên chiếc tàu này, chính quyền Abu Dhabi phát hiện ra thiết bị quân sự chế tạo tại Bắc Triều Tiên và bán qua Iran, ngụy trang dưới tên gọi thiết bị dầu hỏa.
Cũng vào thượng tuần tháng 8, Ấn Độ đã góp phần áp dụng nghị quyết của Liên Hiệp Quốc khi chận giữ hai chiếc tàu của Bắc Triều Tiên ngay trong hải phận của mình để khám xét. Trong cả hai trường hợp này, không có mặt hàng khả nghị nào bị phát giác, nhưng rõ ràng là tuyến đường chuyển vận vũ khí qua ngả Ấn Độ đã trở nên bấp bênh đối với Bắc Triều Tiên.
Vào năm ngoái, chính quyền New Delhi đã từ chối không cho một chiếc phi cơ chuyên chở vũ khi từ Bắc Triều Tiên qua Iran mượn không phận Ấn Độ.
Tên lửa Scud-B của BTT (Reuters)
Tên lửa Scud-B của BTT
(Reuters)

 Các vụ tịch thu liên tiếp làm  khách mua chùn bước Theo các nhà quan sát, những lô  hàng bị phát hiện kể trên có thể chỉ  là phần nổi của tảng băng, tuy là  tác dụng răn đe không nhỏ. Bình  Nhưỡng rất có thể vẫn tiếp tục  xuất khẩu vũ khí, thế nhưng các vụ  tịch thu liên tiếp nhắm vào các  chuyến hàng chuyển vận bằng cả đường thuỷ lẫn đường hàng không, sẽ khiến cho các nước đặt mua chùn bước.
Cho đến nay, Giới quan sát cho rằng ngành xuất khẩu vũ khí là một nguồn thu ngoại tệ quan trọng cho Bắc Triều Tiên trong bối cảnh nước này càng lúc càng bị cô lập do chính sách hạt nhân của mình. Theo môt số nguồn tin, vũ khí bán ra mang lại cho chế độ mỗi năm khoảng một tỷ đô la.
Khách hàng của Bình Nhưỡng chủ yếu là các chế độ bị liệt vào loại bất hảo, các nhóm phiến quân, và nhất là Iran, khách hàng quan trọng của ngành công nghệ tên lửa Bắc Triều Tiên. Một khách hàng khác là Pakistan. Mới đây, một số nguồn tin cũng liệt Miến Điện vào diện khách hàng mua công nghệ hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Theo tờ báo trên mạng AsiaTimes, nhiều chuyên gia phân tích về an ninh đã thẩm định rằng, với nguồn thu nhập từ vũ khí bị giảm sút, kèm theo với sự kiện người anh em Hàn Quốc cắt giảm trợ giúp kinh tế, Bắc Triều Tiên có thể bị đẩy vào tình thế khó khăn và chấp nhận quay trở lại vòng đàm phán sáu bên về giải trừ vũ khí hạt nhân. Mục tiêu là để tiếp tục được nhận viện trợ.
Dẫu sao thì đối với Hoa Kỳ, việc các nước sẵn sàng áp dụng nghị quyết trừng phạt Bắc Triều Tiên là những dấu hiệu tích cực, hỗ trợ cho nỗ lực ngoại giao của Washington nhằm lôi kéo Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán về hạt nhân.

Trọng Nghĩa RFI

Nhiều nước Á châu tổ chức lễ tưởng niệm nạn nhân trận sóng thần 2004

Thái Lan : hàng ngàn vị sư cầu nguyện cho nạn nhân Tsunami 2004(Ảnh : Reuters)
Thái Lan : hàng ngàn vị sư cầu nguyện cho nạn nhân Tsunami 2004
(Ảnh : Reuters)
Hôm nay 26.12.2009 nhiều nước Á châu khu vực quanh Ấn Độ dương như Indonesia, Thái Lan, Sri Lanka đã tổ chức lễ tưởng niệm những người thiệt mạng trong trận sóng thần cách nay 5 năm, 24.12.2004. Aceh chịu tang tóc nặng nề nhất với 168.000 người chết hay mất tích trong tổng số 220.000 người thiệt mạng vì trận sóng thần. 
Tại Thái Lan, nơi cơn sóng thần đã giết trên 5.300 người mà gần phân nửa là du khách nước ngòai, buổi lễ tưởng niệm được tổ chức trên bãi Phang Nga và đảo du lịch Phuket với hàng ngàn chiếc đèn lồng được thả trên các bãi biển vào buổi tối.
Sri Lanka dành hai phút mặc niệm trên cả nước để tưởng nhớ những nạn nhân xấu số 5 năm về trước.
Tại Indonesia buổi lễ có sự tham dự của đại diện chính phủ như tường trình sau đây của thông tín viên Marie Normand từ Jakarta:
'' Các buổi lễ tưởng niệm đã được bắt đầu từ tuần trước trong các nhà bảo tàng sóng thần được thành lập nhân dịp này và kết thúc vào hôm nay, thứ bảy 26/12, với sự có mặt của phó thủ tướng  Boediono cùng nhiều bộ trưởng tháp tùng đến Banda Aceh.
Phái đoàn sẽ dự buổi lễ cầu nguyện cho các nạn nhân sóng thần và được tiếp đón tại một trong những nghĩa trang nơi yên nghỉ của hàng chục ngàn người xấu số sau trận thiên tai tháng 12/2004.
Chính quyền Jakarta đã nhân dịp này thông báo là từ giờ trở đi người dân Indonesia được chuẩn bị đầy đủ hơn để đối phó với thiên tai.
Jakarta đã đầu tư thành lập một hệ thống báo động sóng thần tinh vi gồm các vệ tinh bắt được tín hiệu dao động dưới biển và một hệ thống loa phát lệnh báo động. Tuy nhiên ở các làng quê xa xôi dân cư thú nhận là họ không bíết phải đối phó thế nào khi nghe còi hụ. Như thế, để cho hệ thống báo động sóng thần có hiệu quả, chính phủ cần phải tổ chức tập luyện chu đáo những người dân quê này. ''

Ánh Nguyệt RFI

'Không thể bảo vệ Giáo hoàng 100%'

Giáo hoàng Benedict XVI
Giáo hoàng thường xuyên xuất hiện trước đám đông
Tòa thánh Vatican nói không thể tránh cho Đức Giáo hoàng những sự cố như trong đêm Giáng sinh vừa rồi khi Ngài bị một người đàn bà xô ngã.
Phát ngôn nhân Vatican, Cha Frederico Lombardi nói Giáo hoàng thường xuyên được hàng ngàn người vây quanh tại nơi công cộng.
Tạo một tường ngăn giữa Ngài và các tín đồ là điều không thể hình dung được, ông nói.
Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi, gần đây cũng bị tấn công đã lên tiếng cảnh báo điều ông gọi là "sự hận thù và cực đoan".
Giáo hoàng Benedict XVI không bị thương tích gì khi bà Susanna Maiolo, 25 tuổi, xô ngã Ngài trong Thánh đường St Peter, nhưng Hồng y cao tuổi người Pháp, Roger Etchegaray, đứng gần đó bị ngã rạn xương chậu.
Cũng người phụ nữ này tại buổi lễ Giáng sinh năm ngoái cũng tìm cách đến gần Giáo hoàng. Bà nay đang được điều trị tâm thần và phát ngôn nhân Lombardi nói Vatican sẽ không quá mạnh tay với bà.
'Không có ý gây hại'
Cha Lombardi nói không thực tế khi nghĩ rằng Vatican có thể đảm bảo an toàn 100% cho Giáo hoàng, và nhân viên an ninh cũng đã nhanh chóng ra tay hành động.
Ông nói với AP nhân viên an ninh đã can thiệp sớm nhất có thể trong một môi trường không thể hoàn toàn không có nguy cơ nào.
"Dân chúng muốn nhìn thấy rõ Giáo hoàng và Ngài cũng muốn đến gần họ. Không thể không có nguy cơ khi hai bên muốn tiếp cận nhau như vậy."
Tuy vậy nhân viên an ninh của Vatican sẽ xem lại chuyện này để rút kinh nghiệm, Cha Frederico nói.
Ông Berlusconi, đang hồi phục sau khi bị một người đàn ông ném một tượng nhỏ vào mặt ở Milan, đã lên tiếng trên truyền hình sau sự cố xảy ra cho Giáo hoàng.
Susanna Maiolo
Bà Maiolob năm ngoái cũng làm điều tương tự
"Chúng ta phải chống lại những lời dối trá, cực đoạn và thù hận," ông nói.
Không rõ tại sao bà Maiolo, mang quốc tịch Thụy Sĩ và Ý, lại làm như vậy.
Báo điện tử La Repubblica tường thuệt bà nói với các bác sĩ rằng bà không có ý gây hại cho Giáo hoàng.
Báo này trích dẫn Hồng y Angelo Bagnasco, Tổng Giám mục Genoa và đứng đầu Hội nghị Hồng y, nói: "Không có gì nghiêm trọng xảy ra. Đó chỉ là một người phụ nữ muốn đến chào Giáo hoàng."
Nhưng Hồng y người Pháp, Paul Poupard, đứng cạnh đó mô tả đây ''rõ ràng là một mối đe dọa cho Giáo hoàng''.
"Bây giờ nghĩ lại ta thấy cần có cảnh giác cao hơn, những ai phụ trách an ninh không được mất cảnh giác, dù chỉ trong một giây."
Phụ trách bảo vệ cho Giáo hoàng là các cảnh vệ Thụy Sĩ, cảnh sát Vatican và cảnh sát Ý.
Lần Giáo hoàng bị tấn công nghiêm trọng nhất là năm 1981 khi Đức Giáo hoàng Joan Phaolồ II bị tay súng Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Ali Agca bắn trọng thương lúc Ngài đang đi trên một chiếc xe jeep mui trần trong Vatican.

BBC News

VN tuyên án tử hình 5 người TQ

Tang vật thu được (ảnh: Phúc Hưng, báo Dân Trí)
Số lượng nhựa cần sa có trị giá khoảng 90 triệu USD
Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh mới tuyên án tử hình đối với năm người Trung Quốc về tội “vận chuyển trái phép chất ma túy” và “vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.
Năm người này là Lu Ming Cheng, 52 tuổi, Wang Hui Lan, 42 tuổi (cả hai từ Quảng Đông); Chan Kwok Kwong, 52 tuổi, Ngan Chiu Kuen, 42 tuổi (từ Hong Kong) và Ieong Chi Kai, 52 tuổi từ Macau.
Năm người bị bắt và đưa ra xét xử sau khi tham gia vào vụ vận chuyển trái phép gần 8 tấn nhựa cần sa (hashish) - được truyền thông VN coi là một trong các vụ vận chuyển ma túy lớn nhất từ trước tới nay.
Báo Tuổi Trẻ cho biết số lượng nhựa cần sa này - trị giá khoảng 90 triệu dollar - bị tịch thu từ hai container chứa quần bò vào tháng 4/2008.
Được biết số lượng nhựa cần sa này là do một đường dây buôn ma túy từ Hong Kong đang tìm cách vận chuyển từ Việt Nam qua Trung Quốc.
Các lực lượng công an, hải quan và điều tra chống buôn lậu tại Quảng Ninh đã phát hiện ra vụ vận chuyển khi tiến hành kiểm tra hai lô hàng container tại Móng Cái.
Hội đồng xét xử tại tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh tuyên bố hủy toàn bộ gần 8 tấn nhựa cần sa, 13 điện thoại di động của 5 bị cáo, tịch thu và sung công quỹ nhà nước trên 1 triệu dollar Hong Kong, 278 ngàn nhân dân tệ, hơn 10 ngàn USD, gần 20 ngàn quần bò - là những thứ thu giữ được trong vụ án.
Việt Nam là một trong những nước có luật chống ma túy nghiêm ngặt nhất thế giới. Mỗi năm, khoảng 100 người bị xử tử vì các tội liên quan đến buôn bán, vận chuyển ma túy.

BBC News

Mỹ điều tra vụ 'tấn công khủng bố' chuyến bay

Các quan chức cho biết một người Nigeria được cho là có liên hệ với al-Qaeda đang bị thẩm vấn sau âm mưu có hành động khủng bố trên chuyến bay tới Mỹ.
Họ cho biết người đàn ông 23 tuổi này tìm cách kích hoạt thiết bị nổ khi chiếc máy bay từ Amsterdam đang tiến vào thành phố Detroit.
Một số người trong 278 hành khách và 11 phi hành đoàn đã khống chế được ông ta.
Cảnh sát tại Anh đang thực hiện các vụ rà soát và điều tra về người đàn ông này, tên là Abdul Farouk Abdulmutallab, được biết đang là một sinh viên ở London.
'Tấn công khủng bố'
Giới chức cao cấp Hoa Kỳ nói sự cố trên chuyến bay đến thành phố Detroit từ Amsterdam, là một vụ tấn công bằng bom không thành.
Các nguồn tin nói một người đàn ông bị bỏng khi tìm cách kích nổ bom trên chiếc máy bay chở 278 hành khách, nhưng không ai bị thương.
Khai trong lúc đã bị bắt, người này nói ông thực hiện vụ tấn công cho al-Qaeda, theo như một nguồn tin cảnh sát nói với hãng AP.
Tổng thống Barack Obama đã ra lệnh tăng cường an ninh cho các chuyến bay. Phát ngôn nhân Nhà Trắng, Bill Burton, cho biết Tổng thống đang theo dõi chuyện này.
Truyền thông ở Hà Lan và Hoa Kỳ nói người đàn ông là công dân Nigeria đang theo học ở London.
Chuyến bay 253 của Northwest Airlines đang đáp xuống sân bay Detroit hôm thứ Sáu thì sự cố xảy ra.
Một hành khách kể người đàn ông bị bỏng nặng ở chân và người ta phải dùng đến bình chữa cháy.
Một hành khách khác, Syed Jafri, nói với hãng AP ông ngồi ba hàng ghế phía sau người đàn ông và nhìn thấy lóe sáng và có mùi khói.
Ông kể một thanh niên đã nhảy đè lên người đàn ông. "Sau đó thì anh biết rồi, không khí hỗn loạn," ông Jafri nói.
'Dán vào chân'
Một hành khách không nêu danh nói có một tiếng nổ nhỏ, rồi một ít khói và lửa bốc lên. Sau một hồi la hét, họ áp tải người đàn ông đi.
Đài truyền hình ABC tường thuật người đàn ông khai với nhà chức trách là ông có chất nổ dán trên chân và dùng hóa chất đựng trong một ống tiêm để kích hoạt.
Một quan chức tình báo được AP trích dẫn cho biết chất nổ là một hỗn hợp bột và dung dịch.
Dân biểu Peter King, thuộc ủy ban an ninh nội chính của Quốc hội, nói với các đài truyền hình rằng người đàn ông bị phỏng cấp ba và chắc chắn có liên hệ với al-Qaeda hay các nhóm khủng bố cực đoan.
Cơ quan điều tra liên bang FBI và Cục quản lý Hàng không đang điều tra thêm. Có một lúc người ta dùng rôbô để khám xét máy bay.
Được biết có ít nhất một hành khách được đưa đến trung tâm y tế của đại học Michigan ở Ann Arbor.

BBC News

Monday, September 28, 2009

Bão Ketsana đe dọa miền Trung Việt Nam




medium_VN-Bao-2709.jpg

Cơn bão Ketsana khi tràn qua Philippine đã làm ít nhất 52 người chết và cảnh ngập lụt khắp nơi trong đó có thủ đô Maniala. (Hình: TED ALJIBE/AFP/Getty Images)

20 người chết và mất tích vì mưa lũ

VIỆT NAM (NV) - Cơn bão có tên Ketsana dù chưa chính thức đánh vào miền Trung Việt Nam nhưng những trận mưa lũ lớn từ Quảng Ninh đến Ðà Nẵng trong mấy ngày qua làm 20 người chết và mất tích.

Tin từ các báo Việt Nam cho hay cơn bão Ketsana (Việt Nam gọi là bão số 9) hiện cách quần đảo Hoàng Sa 470 cây số về phía Ðông Ðông Nam, sức gió mạnh cấp 10 (tức 89-102 km một giờ).

Bão Ketsana đang mạnh thêm và dự đoán vào sáng 29 Tháng Chín (giờ Việt Nam) bão sẽ tăng lên cấp 13 (tức 118-149 km một giờ) và sẽ áp sát bờ biển Quảng Trị-Ðà Nẵng.

Trước khi áp sát bờ biển duyên hải miền Trung Việt Nam, hôm 27 Tháng Chín, cơn bão này đã tràn qua Philippine làm thiệt mạng ít nhất 52 người.

Bản tin của VNExpress trích dẫn nguồn tin của “Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung Ương Việt Nam” cho hay, “đợt mưa lũ ở miền Trung vừa qua đã làm 17 người chết và 3 người mất tích. Trong đó, Quảng Ninh có 3 người tử vong trên tàu bị chìm ở hòn Hoa Cương thuộc vịnh Hạ Long, Thanh Hóa có 4 người, Nghệ An 6 người, Hà Tĩnh 2 người, Quảng Bình, Quảng Trị mỗi tỉnh có 1 người thiệt mạng.”

Bản tin viết tiếp, “Mưa lũ khiến gần 10,000 nhà bị ngập, tốc mái, hư hỏng; 2,500 ha lúa; gần 6,000 ha hoa màu và 1,750 ha ao nuôi thủy sản bị ngập. Thiệt hại nặng nhất là Thanh Hóa với 5,500 ngôi nhà, 1,700 hoa lúa; Quảng Bình gần 4,000 nhà, 150 ha lúa...”

Bản tin cũng nói có 23 tàu bị hỏng và chìm, riêng Nghệ An đã có 17 tàu, Thanh Hóa 3 tàu, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Quảng Bình mỗi tỉnh có một tàu chìm do lốc xoáy.

Theo dự đoán của Cục khí Tượng Thủy Văn Việt Nam, trong ngày 28 Tháng Chín, các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa to, nguy cơ lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng có thể xảy ra.

Tin của báo Tuổi Trẻ cho biết, khu vực sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất khi bão Ketsana đánh vào là từ Quảng Trị đến Ðà Nẵng. Hiện nay tại vùng biển Ðà Nẵng sóng đã mạnh lên rất nhiều và có khả năng hàng ngàn người sẽ phải di tản.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Huỳnh Vạn Thắng - Trưởng ban Phòng Chống Lụt Bão Ðà Nẵng - cho biết nếu di dời dân tránh bão thì Ðà Nẵng sẽ có 25,000 hộ với hơn 100,000 người dân phải sơ tán.

Các cơ quan chức năng Việt Nam cũng cho hay vùng biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên đã có gần 22,000 tàu với gần 95,000 người làm việc trên biển được thông báo, hướng dẫn để vào nơi neo đậu và di chuyển phòng, tránh bão. (K.N)

Tu viện Bát Nhã bị CA tấn công trở thành bạo động: ‘Máu đã chảy ở Bát Nhã’

medium_BatNha-01.jpg




medium_DPT.JPG


Tượng đài Mẹ tại công trường Bông Hồng Cài Áo (tu viện Bát Nhã, Lâm Ðồng) trước và sau khi bị đập phá trong vụ bạo động hồi cuối Tháng Sáu, 2009. (Hình: theo phapnanbatnha.net)

LÂM ÐỒNG (NV) - “Xin giúp 400 tu sĩ, máu đã chảy ở Bát Nhã. Mưa, nước mắt, máu đang chảy tại Bảo Lộc, họ chận con đường độc đạo vào tu viện, công an và tất cả các cấp chính quyền đều ra mặt.”

Ðó là một trong những lời kêu gọi của các tăng sinh ở tu viện Bát Nhã vào lúc 5 giờ 29 phút chiều 27 Tháng Chín (giờ Việt Nam), khi trước đó vào buổi sáng, hàng trăm công an và côn đồ mở cuộc tấn công nhằm trục xuất 400 tăng sinh, giáo thọ theo hệ phái Làng Mai, tức đệ tử Thiền Sư Nhất Hạnh tu học. Bạo lực đã không ngừng gia tăng khi nhiều tăng ni bị đánh đập.

Sáng ngày 27 Tháng Chín (theo giờ Việt Nam), một bản tin khẩn cấp phổ biến trên trang mạng Phù Sa (www.phusa.info) cho hay tu viện Bát Nhã ở xã Dambri (thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Ðồng) bị công an tấn công.

Trang mạng Phù Sa được đặt tại Pháp, là nơi thường đăng tải nhiều tin tức nhanh chóng và chính xác về vụ tu viện Bát Nhã.

Bản tin khẩn cấp của “Phù Sa” viết, “Bây giờ là 11 giờ 06 phút sáng ngày 27 Tháng Chín (giờ VN), tức 9 giờ 6 phút tối 26 Tháng Chín (giờ California, Hoa Kỳ) trời Bát Nhã đang mưa. Quý thầy phải ngồi dưới mưa lạnh. Công an đang gọi xe tới chở đi. Các ngõ vào tu viện đều đã bị chận, Phật tử tới cứu nhưng bị chận lại từ xa.”

Bản tin viết tiếp, “Họ (tức công an) bắt tất cả quý thầy phải mang ba lô hành lý, chờ xe tới chở đi. Nhưng không biết đi đâu. Lực lượng tấn công Bát Nhã ra kỳ hạn cho Tăng thân là trong vòng 2 ngày phải rời khỏi tu viện.”

Tiếp theo đó, trang mạng Phù Sa liên tục cập nhật vụ tấn công và đàn áp cho thấy mức độ ngày càng gia tăng, trong đó có nhiều tăng sinh bị đánh đập và hành hạ dã man.

Trả lời phỏng vấn của báo Người Việt, một tăng thân xin giấu tên, 22 tuổi, tu học tại Bát Nhã, tường thuật, “Lực lượng tấn công Bát Nhã rất đông, con số lên tới 300 người; và đặc biệt số vị cư sĩ nam, đi cùng lực lượng an ninh mặc thường phục đeo khẩu trang khoảng 100 người, đã tiến vào tu viện đập phá và đạp đánh anh em chúng tôi tu tập tại Bát Nhã.'

Vị tăng thân này nói thêm với báo Người Việt: “Bên cạnh những người an ninh mặc thường phục đạp phá chúng tôi, những vị đệ tử tu tại gia của Thầy Ðức Nghi là những người đánh chúng tôi hung hăng nhất. Họ đi cạy cửa từng phòng rồi đuổi các thầy, các sư chú ra ngoài giữa lúc trời mưa rất lớn.”

Nhật báo Người Việt liên lạc nhiềulầnvới Sư Cô Chân Không, đại đệ tử Thiền Sư Nhất Hạnh, về việc tu viện Bát Nhã bị tấn công. Một lần, Sư Cô ChânKhông không tiện trả lời và hẹn giờ gọi lại. Những lần sau,điệnthoại của Sư Cô không có ngườinhấc máy.

Trong khi đó, theo tường thuật của trang mạng Phù Sa, “Họ đang đàn áp các thầy cô thậm tệ, bao thủ đoạn cũng không từ. Xin khắp nơi giúp đỡ, họ nói ngoan cố thì sẽ giết luôn. Côn đồ vào đông quá, công an trải khắp tu viện, không có một cánh cửa nào mà không bị đập phá.”

“Họ lùa các sư cô ở Mây Ðầu Núi đi về phía vườn rau, một số các sư cô bị té ở bậc tam cấp, và bị họ lấy dù đập rất là dã man. Các thầy bị đánh rất nặng, và đã bị xúc lên xe.”

Một sư cô cho biết, “Hiện có khoảng 50 thầy tì kheo và sư chú đang chịu đói và lạnh ở ngoài đường trước cổng Mây Ðầu Núi. Một em tập sự xuất gia bị đánh chảy máu miệng. Một sư chú bị bóp cổ quăng lên xe. Còn khoảng 30 thầy đang bị kẹt trong tu viện. Các thầy bị đẩy lên xe, và bị đánh quá chừng, và họ đã chở ra tới cổng ngoài của xóm Mây Ðầu Núi. Các thầy đang nằm ở ngoài đường nên họ chưa chở đi được.”

“Hai Sư anh lớn của Tăng thân là hai thầy Pháp Hội và Pháp Tụ bị lôi ra ngoài, họ lôi đi như lôi một con vật. Thầy Pháp Hội và Pháp Sỹ được ra, mỗi thầy có 4 công an áp tải về địa phương.”

Vẫn theo trang mạng Phù Sa, nhiều phật tử đã liên lạc với ông Hiệp phó giám đốc công an tỉnh Lâm Ðồng nhờ can thiệp việc bạo động này ông Hiệp trả lời, “Ðây là việc nội bộ Phật Giáo chúng tôi không can thiệp” (?!)rồi ông cúp máy.

“Hàng trăm Phật tử Ðà Lạt và các huyện lân cận đang có mặt tại Bảo Lộc và vô cùng bức xúc trước sự tàn bạo của chính quyền địa phươngà bà con nhận định lời thầy Ðức Nghi nói là sự thật: Phải có sự chỉ đạo của trung ương mà người đứng đầu là là ông Tướng Trần Tư, Bộ Công An chỉ đạo thì chính quyền địa phương mới làm ngơ như thế này. Trong khi đó toàn bộ các số điện thoại của các thành viên trong Ban Trị Sự Phật Giáo tỉnh Lâm Ðồng điều không liên lạc được” - Trang mạng Phù Sa cho biết.

Trước khi bị tấn công chính thức, “Lúc 8:30 tối, 23 Tháng Chín, rất đông công an đến tu viện Bát Nhã, Lâm Ðồng, “vào tăng xá ép quý thầy phải đưa giấy chứng minh nhân dân gốc cho họ. Và tìm cách đẩy quý thầy từ trên lầu tăng xá xuống hết sân phía trước. Phía tăng sinh chỉ chấp nhận đưa bản sao Chứng Minh Nhân Dân, và sau đó công an rút lui.”

Việc tấn công tu viện Bát Nhã đã được chuẩn bị trong một thời gian rất dài và đây không phải là lần đầu tiên tu viện Bát Nhã bị quấy phá, nhưng lần này cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam muốn hành động triệt để nhằm trục xuất tất cả các tăng sinh ra khỏi Bát Nhã.

Hồi cuối Tháng Sáu, 2009, tu viện Bát Nhã, rơi vào hỗn loạn, khi, gần 200 người kéo vào đập phá và đòi đuổi các tăng sĩ ra khỏi Tu Viện. Ðêm Thứ Bảy, 27 Tháng Sáu, kéo dài cho đến khuya 28, rạng sáng 29, khoảng 200 người mà, theo các nhân chứng, là “thanh niên xã hội đen” kéo vào tấn công tu viện, đập phá bếp ăn, quăng đồ đạc của giới tu sĩ, và yêu cầu gần 400 tăng sinh, giáo thọ tại đây phải rời tu viện.

Những người tu tập, là môn đồ của Thiền Sư Nhất Hạnh, từ chối lời yêu cầu. Họ tiếp tục trụ lại nơi vốn là “gốc” mà họ xuất gia, bất chấp tình trạng điện, nước bị cắt, thức ăn không được tiếp tế, và hoàn cảnh thì rơi vào tình trạng mà nhiều người gọi là “tuyệt lộ.”

Tình thế giằng co kéo dài cho đến ngày 13 Tháng Tám, khi truyền thông quốc tế đưa tin, lần đầu tiên phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao CSVN nói rằng: môn đồ của Thiền Sư Nhất Hạnh chỉ được phép ở lại tu viện Bát Nhã đến ngày 2 Tháng Chín, 2009.

Tuy nhiên, 25 ngày sau thì nhà cầm quyền Việt Nam mới chính thức ra tay trục xuất.

Hồi đầu Tháng Chín vừa qua, trong loạt bài 3 kỳ “Tôn giáo Bát Nhã, chính trị nhà nước”, khi trả lời phỏng vấn của Người Việt, Sư Cô Chân Không, đại đệ tử Thiền Sư Nhất Hạnh, cho biết quan điểm của Làng Mai liên quan đến các diễn tiến tại Bát Nhã hiện nay rằng, “Chỉ có một khí giới là tình thương. Muốn thương phải hiểu. Phải hiểu người ta có những cái ‘kẹt’ của họ. Ðôi khi trong bụng họ thương mình nhưng họ kẹt nên không dám làm. Các tăng ni hiểu thế kẹt của thầy Ðức Nghi, hiểu thế kẹt của nhóm nhà nước nên không trách giận ai hết, chỉ có thương thôi.” (KN)